Chúc các bạn sức khỏe, sớm hoàn thành dự án của mình và nhớ giữ liên lạc nhé! Hy vọng một ngày không xa chúng ta lại gặp nhau

August 12, 2011

Tiết kiệm năng lượng vấn đề ưu tiên trong NCKH của sinh viên



Ngày 3/6, tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã diễn ra chương trình tổng kết hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) và thi Olimpic năm học 2010-2011. Trong số các giải thưởng cao được trao cho sinh viên có nhiều sản phẩm hướng đến tiết kiệm năng lượng.

Đại diện lãnh đạo Trường ĐHBKHN trao phần trưởng cho các tác giả đạt giải Nhất NCKH sinh viên năm học 2010-2011
Năm học 2010-2011, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội có 421 công trình của 833 sinh viên tham gia NCKH đều bắt nguồn từ đề tài các cấp và từ nhu cầu của xã hội. Theo tổng kết của Phòng Khoa học - Công nghệ nhà trường thì nhiều đề tài đã tập trung nghiên cứu công nghệ mới, có tính ứng dụng và thực tiễn cao. Có thể nói đây cũng là điểm nổi bật trong phong trào NCKH của sinh viên ĐH Bách Khoa HN so với nhiều trường đại học kỹ thuật khác.
Cũng trong năm học này, sinh viên trường Bách Khoa Hà Nội đã có nhiều thành tích nổi bật trong các phong trào NCKH ngoài nhà trường. Đó là Cúp vô địch Kỳ thi sáng tạo sinh viên Imagine Cup Vietnam 2011 do Hội Tin học Việt Nam cùng Công ty Microsoft Việt Nam đồng tổ chức, đại diện cho Việt Nam tham dự Chung kết Imagine Cup toàn cầu tại Hoa Kỳ vào tháng 8 tới; giải Nhất Cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2010 với sản phẩm Hệ thống số hóa tư duy con người; đứng thứ 5 trong cuộc thi chế tạo xe tiết kiệm nhiên liệu do Công ty Honda tổ chức; giải Ba chương trình Triển lãm Robocon Techshow lần thứ 2 trong khuôn khổ Robocon Vietnam 2011 với sản phẩm Xe lăn điện cho người khuyết tật.
Năm học 2010, trường đã có 2 giải Nhất, 4 giải Ba, 7 giải Khuyến khích trong giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ, đạt 1 giải Nhất, 3 giải Ba, 1 giải thưởng VIFOTEC, một giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và đạt 16 giải Nhất cấp quốc gia thi Olympic.

Một số hình ảnh sản phẩm nổi bật, đạt giải cao trong phong trào NCKH của sinh viên năm học 2010-2011.
Sản phẩm Bộ nguồn PFC số - giải Nhất Viện Điện
Sản phẩm được nghiên cứu xuất phát từ yêu cầu cần cải thiện hệ số công suất cũng như giảm thiểu sóng hài cho hệ thống cung cấp điện của nhiều ứng dụng khác nhau như: trong các bộ nguồn viễn thông; trong các UPS online sử dụng các nguồn năng lượng mới; các ổn áp điện từ; các bộ nguồn máy tính; ...
Giải pháp đưa ra cho các ứng dụng này là chế tạo bộ nguồn chỉnh lưu tích cực - bộ nguồn PFC số một pha. Lại Thành Luân, sinh viên K51, lớp Thiết bị điện 1, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: nhóm đã nghiên cứu thành công thuật toán điều khiển và lập trình sử dụng dụng vi xử lý tín hiệu số TMS320F28335. Bộ nguồn với công suất 2kW hiện đã đạt được hệ số công suất 99%, điện áp một chiều đầu ra ổn định 400V khi đầu vào thay đổi từ 90V-250V, hiệu suất đạt trên 95%.
Luân cũng cho biết thêm, được sự ủng hộ và hỗ trợ ban đầu của tập đoàn Viettel và Vinaphone nên nhóm có nhiều thuận lợi trong quá trình nghiên cứu trước đây cũng như định hướng phát triển sản phẩm trong thời gian tới. Sau khi tốt nhiệp đại học, nhóm sẽ hoàn chỉnh bộ PFC đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đề ra của một bộ PFC trong các bộ nguồn trong thực tế; nâng cao công suất và cải thiện hiệu suất bằng các phương pháp chuyển mạch mềm; thiết kế tầng DC-DC Full-Bridge để hoàn thiện bộ nguồn viễn thông, sử dụng vi điều khiển có chi phí rẻ hơn để giảm giá thành sản phẩm.

Robot 2 tay điều khiển từ xa DART
Robot 2 tay điều khiển từ xa DART - giải Nhất Viện Cơ khí
Sinh viên Đinh Công Huy, nhóm trưởng nhóm nghiên cứu Robot 2 tay điều khiển từ xa cho biết, theo ý tưởng, robot DART được điều khiển qua mạng Internet để giúp việc cho gia đình, ví dụ như quan sát an ninh nhà cửa, bật/tắt tivi, bình nóng lạnh, … Robot được mô phỏng theo hoạt động của con người, mỗi cánh tay có 4 bậc tự do. Bàn tay được chế tạo theo hình dạng bàn tay con người với mục đích mở rộng phạm vi ứng dụng cầm/nắm đồ vật. Bộ phận được chế tạo từ 4 bánh omni đa hướng có thể di chuyển linh hoạt trong không gian hẹp và phức tạp. Đặc biệt, robot sẽ ghi nhớ và thực hiện nhiệm vụ một cách tự động khi người sử dụng yêu cầu.
TS. Bùi Văn Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội đánh giá tiềm năng ứng dụng của robot lớn. Ngoài ý tưởng ứng dụng trong gia đình, robot này còn có thể ứng dụng vào những việc có độ tinh xảo cao như trong y tế. Với robot có số bậc tự do lớn như DART, TS. Hạnh cũng đánh giá cao mức độ hoàn thiện robot về mặt cơ khí lẫn giải thuật điều khiển.

Sản phẩm Hệ điều khiển định hướng pin mặt trời
Sản phẩm xuất phát từ nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng mới – năng lượng mặt trời và khắc phục nhược điểm của cách khai thác nguồn năng lượng này trong thời gian qua. Nhược điểm đó là việc hệ thống pin mặt trời thường được lắp cố định, do đó pin chỉ đạt hiệu suất lớn nhất khi ánh sáng mặt trời vuông góc với mặt phẳng của tấm pin. Để khai thác được năng lượng trong điều kiện đó, người ta cần một hệ thống cảm biến xác định hướng chiếu của ánh sáng mặt trời, từ đó điều khiển cho mặt phẳng của tấm pin hướng vuông góc với ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, giải pháp này bị ảnh hưởng mạnh bởi nhiễu và trong khoảng thời gian không có mặt trời thì hệ thống này gần như không hoạt động. Sinh viên Đỗ Văn Sơn, lớp Cơ điện tử 4-K51, Viện Cơ khí, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết đây cũng là lý do để nhóm đưa ra hướng mới trong nghiên cứu: tự động hóa quá trình điều khiển định hướng hệ thống pin mặt trời đạt hiệu suất cao nhất, thu được nhiều năng lượng sạch từ mặt trời. Giải pháp cụ thể là xử lý ảnh bằng phần mềm Matlab, điều khiển tấm pin luôn hướng theo hướng chiếu của mặt trời. Giải pháp này có thể nâng cao hiệu suất lên 30% so với đặt tấm pin cố định.
Hệ điều khiển định hướng pin mặt trời