TRÁCH NHIỆM CỦA THANH NIÊN
TRONG ĐỔI MỚI GIÁO DỤC ĐÀO TẠO
TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP
(Bài viết nhân kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Hội sinh viên Việt Nam 9/1/1950- 9/1/2013)
PGS.TS. Phan Quang Thế
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng
Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên
Trong
những năm tháng chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc thanh niên Việt
Nam đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp đấu tranh
thống nhất đất nước ở Miền nam và xây dựng CNXH ở Miền Bắc. Thanh niên
trong vùng địch tạm chiếm đã tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị, xuống
đường biểu tình, máu của họ đã tô thắm thêm lá cờ của tổ quốc không kém
gì máu các chiến sỹ đổ ngoài chiến trường. Thanh niên Miền bắc không
chỉ lao động quên mình vì sự nghiệp xây dựng CNXH, sản xuất để chi viện
cho tiền tuyến lớn Miền Nam mà còn phải trực tiếp tham gia chống trả
cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ cả trên không và trên biển. Họ
đã sống chiến đấu lao động vì tổ quốc thân yêu của mình mà không bao giờ
đòi hỏi gia đình và tổ quốc bất cứ điều gì cho riêng bản thân họ. Đối
với thanh niên Việt Nam thời bấy giờ khát khao lớn nhất là giải phóng
miền Nam, thống nhất tổ quốc để xây dựng tổ quốc Việt Nam sánh vai với
các cường quốc năm châu. Ngày nay, mặc dù tổ quốc đã thống nhất, non
sông thu về một mối, nhiệm vụ của thanh niên còn nặng nề và thậm chí còn
khó khăn hơn rất nhiều so với trong thời chiến tranh bởi vì chiến thắng
chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người còn khó khăn hơn nhiều lần tiêu
diệt kẻ thù hung ác ngoài chiến trường.
Thanh
niên Việt Nam hôm nay được sống trong điều kiện văn minh, hiện đại hơn
rất nhiều so với thời chiến tranh cũng như những năm cuối của thế kỷ 20
nên môi trường lao động sáng tạo của họ ở gia đình bị thu hẹp đến mức
tối thiểu. Vì thế, môi trường lao động sáng tạo ngày nay của tuổi trẻ
chính là ở trong cộng đồng, trong nhà trường, trong tập thể mà họ đang
sống, học tập và rèn luyện để có được một tương lai tốt đẹp, để trở
thành những người công dân có ích cho đất nước. Thanh niên không có con
đường nào khác về mặt tư tưởng là phải làm theo lời dạy của bác Hồ kính
yêu “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho
mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm
thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà
hy sinh phấn đấu chừng nào?”.
Trường
Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đang triển khai đổi mới căn bản và toàn
diện giáo dục đại học trong đó nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập
giáo dục đại học quốc tế là nhiệm vụ then chốt. Thanh niên phải phấn đấu
học tập và rèn luyện thông qua lao động miệt mài bền bỉ của chính mình
chứ không phải đi lấy của người khác về trang trí cho mình. Thanh niên
sinh viên chúng ta phải thấm nhuần nguyên lý giáo dục của Đảng “học đi
đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với
gia đình và xã hội”, trong đó ứng dụng những kiến thức đã học để giải
quyết một cách sáng tạo những vấn đề mà môn học đặt ra trong bài tập, đồ
án và tự làm ra những mô hình thực là quan trọng nhất. Hãy học tập sinh
viên khoa Điện tử để triển khai các chương trình sáng tạo của tuổi trẻ
thông qua mô hình hoạt động khoa học kỹ thuật thực tiễn của các câu lạc
bộ. Ngoài ra, sinh viên chúng ta phải có hiểu biết toàn diện, phải biết
cảm nhận được cuộc sống, phải biết đau với nỗi đau của những người nghèo
khó, khổ với nỗi khổ của nhân dân để có thêm sức mạnh trong việc triển
khai một cuộc sống mới cho đất nước dựa trên công bằng, nhân phẩm và
nhân ái. Vì thế, dù là sinh viên của trường kỹ thuật chúng ta không được
phép quên rằng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, cách ứng xử đôi khi còn
quan trọng hơn những phương trình toán lý.
Đất nước
còn nhiều khó khăn, cái khó khăn mà chúng ta đang phải chịu đựng không
phải vì người Việt Nam chúng ta kém cỏi, càng không phải Đảng Cộng sản
của chúng ta không có một đường lối lãnh đạo đúng đắn mà có lẽ là vì
nhiều người Việt Nam của chúng ta đang nghĩ đến bản thân mình quá nhiều,
quá nghĩ đến hạnh phúc trong một tà áo hẹp mà không nhận thức được
rằng: nước mất thì nhà tan. Không ít người trách nhiệm, nghĩa vụ thì lẩn
tránh, thờ ơ, coi như việc của người khác, còn quyền lợi thì tính đếm
từng xu, từng hào. Thanh niên trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp hãy
học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tránh xa những tư
tưởng cá nhân ích kỷ đó. Hãy chung sức xây dựng uy tín và thương hiệu
của trường Đại học Cơ điện Bắc Thái không phải bằng những lời nói kêu ca
phàn nàn mà phải bằng những hành động cụ thể từ trái tim nhiệt huyết
của tuổi thanh xuân. Hãy đừng để khi tốt nghiệp ra trường, khi thua kém
bạn bè lại tự dằn vặt mình giá như ngày ấy... khi còn chưa muộn. Hãy để
các thế hệ đi trước đừng phải phiền muộn với thế hệ thanh niên sinh viên
ngày hôm nay. Đối với các đồng chí đoàn viên thanh niên đã là giảng
viên hoặc cán bộ viên chức của Nhà trường điều quan trọng nhất cần phải
suy nghĩ đó là: mình đã làm được những gì cho Nhà trường, cho tổ quốc so
với những gì mà tổ quốc, nhà trường và sinh viên đã dành cho mình. Hãy
dẹp bớt tư tưởng Nhà trường phải thế này, phải thế kia với tôi và thay
vào đó bằng tư tưởng mình sẽ làm gì cho sinh viên thân yêu, mình sẽ làm
gì để góp phần đưa nhà trường tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, điều quan
trọng hơn không phải chỉ dừng ở những suy nghĩ như thế mà phải bằng
những hành động thiết thực, cụ thể với những kết quả có thể đánh giá và
định lượng được.
Liên tục
trong hai năm vừa qua, trường chúng ta tuyển sinh không đạt chỉ tiêu hệ
đại học chính quy, còn hệ đại học vừa làm vừa học thì xã hội hầu như
không còn nhu cầu đối với chúng ta. Trường chúng ta đang ở trong giai
đoạn tiềm ẩn rất nhiều khó khăn, thử thách và phải trả lời được câu hỏi
“tồn tại hay không tồn tại, phát triển hay không phát triển”?. Là thanh
niên các bạn hãy nghĩ đến điều này trước và tự các bạn phải trả lời câu
hỏi này bởi vì tương lai của Nhà trường là tương lai của các bạn. Đó là
tất là cả những điều Nhà trường muốn gửi gắm đến các bạn thanh niên
trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp nhân dịp kỷ niệm 63 năm ngày thành
lập Hội sinh viên Việt Nam./.