Chúc các bạn sức khỏe, sớm hoàn thành dự án của mình và nhớ giữ liên lạc nhé! Hy vọng một ngày không xa chúng ta lại gặp nhau

December 30, 2012

Cơ hội ở trong chính chúng ta

 Đó là chia sẻ của một số lãnh đạo và nhân viên đến từ Honeywell, Microsoft, IBM, KPMG, General Electric… về những yếu tố cần thiết trong hành trang đến với các tập đoàn đa quốc gia Hoa Kỳ.


Các khách mời chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng tại chương trình.

Các bạn sinh viên đang học tại nhiều trường đại học tại Hà Nội đã tham dự chương trình Đối thoại hướng nghiệp dành cho sinh viên có chủ đề Hành trang đến với các tập đoàn đa quốc gia Hoa Kỳ, do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN phối hợp với báo Sinh Viên Việt Nam tổ chức (ngày 27-12).

Bên cạnh những ưu điểm như trẻ, năng động, các vị khách mời trong chương trình đã chỉ ra những mặt còn thiếu, yếu của nguồn nhân lực Việt Nam. Ông Jeremy Showalter, Giám đốc nhóm đơn vị giải pháp thuộc Microsoft Việt Nam cho hay nguồn nhân lực Việt Nam trẻ thiếu kỹ năng sâu về kỹ thuật. Nếu muốn vào làm cho Microsoft, sinh viên cần phát triển các kỹ năng để đáp ứng được đòi hỏi của công ty.

Cùng quan điểm với đại diện đến từ Microsoft, bà Yasue Pai, Tùy viên thương mại của Đại sứ quán Mỹ khuyên các bạn trẻ cần trang bị kiến thức về công nghệ thông tin, nhất là những hiểu biết sâu về ngành mình đang theo học để trở thành những "master" (bậc thầy) trong lĩnh vực đó.

Tại chương trình, các vị khách mời đã đểu đánh giá nguồn nhân lực Việt Nam trẻ thiếu sự chủ động, chuyên sâu. Bà Mai Trang Thanh Tổng giám đốc Honeywell tại Việt Nam cho rằng nhiều bạn sinh viên thiếu tính độc lập và tính logic trong tư duy.

Ngay trong phần đặt câu hỏi của một số bạn, các vị khách mời cũng chỉ ra sự thiếu tự tin, thiếu tính quyết liệt và tư duy không mạch lạc. Chẳng hạn, như câu hỏi của một bạn sinh viên đến từ Đại học Nông nghiệp Hà Nội: Sinh viên chúng em có cơ hội thực tập tại công ty đa quốc gia không? Có cơ hội sang Mỹ thực tập không?; hay một bạn nữ - cựu sinh viên Học viện Ngân hỏi về việc lựa chọn hướng đi làm những việc khác trước khi đi làm theo đúng ngành học…

Theo các vị khách mời, thay bằng những câu hỏi “có được không”, “có cơ hội”…thực ra đó vẫn là sự đòi hỏi, hãy mạnh dạn thử sức và nỗ lực hết mình. Đi sẽ đến, làm sẽ hiểu. "Cơ hội ở trong chính chúng ta và phải nghĩ làm thế nào để đạt được. Mọi thành công đều không có đáp án sẵn", bà Thanh nói.

Cùng ý kiến với bà Thanh, chị Thu Hà đến từ tập đoàn KPMG cho biết từng làm rất nhiều công việc như phiên dịch cho hội chợ, làm bán thời gian cho các công ty ngay từ khi là sinh viên. "Có cơ hội là đi làm, dù làm gì cũng được. Đừng nghĩ gì to lớn, hãy cứ đi tới bằng nhiệt huyết của mình. Những kinh nghiệm đó sẽ giúp ích cho công việc của mình sau này", chị Hà nói.

Sự nỗ lực và thái độ làm việc chuyên nghiệp luôn được ghi nhận và đánh giá cao. Bản thân cũng là một nhà tuyển dụng, thường xuyên tìm kiếm nguồn nhân lực trẻ, bà Thanh cho biết: “Nhà tuyển dụng tại các tập đoàn đa quốc gia Hoa Kỳ muốn nhìn thấy ở các bạn không phải là bằng cấp mà là sự quyết liệt, khả năng thích ứng với công việc, thái độ cầu tiến, ham học hỏi. Nếu có được những phẩm chất đó thì các bạn mới có thể được tuyển dụng và quan trọng hơn đó là mới có thể trụ được ở môi trường làm việc mang tính cạnh tranh rất cao”.

Các vị khách mời là nhân viên, lãnh đạo trong những các tập đoàn đa quốc gia Hoa Kỳ đều chia sẻ hằng năm có đánh giá kết quả công việc. Trong đó, 30% là đánh giá về kết quả làm việc và có đến 70% là đánh giá về thái độ làm việc với nhiều tiêu chí rõ ràng.



Nhiều câu hỏi được các bạn sinh viên đặt ra cho các vị khách mời. 

Nhà tuyển dụng muốn gì khi phỏng vấn?

Tại chương trình, các vị khách mời cũng đã bật mí điều muốn thấy ở các ứng viên trong phỏng vấn tuyển dụng. Bà Phạm Thị Thanh Long, Trưởng bộ phận dự án chính phủ IBM Việt Nam cho hay: Bà muốn thấy sự chuẩn bị của các ứng viên. Khi có sự chuẩn bị, tức là bạn đã biết mình muốn gì, đã làm gì để đạt được mục tiêu đề ra và tiếp theo đó là gì.

Còn chị Thu Hà cho hay trong mỗi cuộc phỏng vấn, thường gạt CV sang một bên và chỉ nhớ tên ứng viên. "Chị chưa cần biết em đến từ trường nào mà chỉ quan tâm tới những gì em thể hiện trong buổi phỏng vấn, đó là hiểu biết về xã hội, cuộc sống. Vòng phỏng vấn cuối cùng không về chuyên môn mà chỉ là những câu hỏi đời thường", chị Hà bật mí.

Tổng giám đốc tập đoàn Honeywell tại Việt Nam, bà Mai Trang Thanh nhấn mạnh là nhà tuyển dụng, bà muốn thấy thái độ làm việc, sự quyết liệt, nhiệt huyết và cách xoay sở, kiểm soát cuộc sống của ứng viên thay vì bằng đỏ hay chứng chỉ Ielts hay Toefl. Bà Thanh cũng chia sẻ, “Chúng tôi thích tuyển dụng những bạn sinh viên ngoại tỉnh, đặc biệt có thể là con cả của một gia đình nhiều anh chị em. Bởi những bạn đảm đang trong gia đình cũng sẽ làm tốt công việc”.

Nguon:thanhgiong.vn